Làm content không phải chỉ cần kỹ năng viết và để trở thành một người sáng tạo nội dung bạn cần nhiều kỹ năng khác ngoài viết.
Học báo chí bước vào nghề content marketing, thế mạnh của mình là viết. Nhưng ngoài viết ra, mình cũng phải trau dồi nhiều kỹ năng khác để có thể “sống” với nghề viết và viết tốt hơn. Đây là 10 kỹ năng mình đã trau dồi trong suốt quá trình làm việc.
Mình từng làm việc ở nhiều vị trí với các tên gọi khác nhau: Copywriter, Content Writing, Content SEO, Nhân viên nội dung… Những vị trí này không có sự phân định rõ ràng, liên quan đến viết lách và sáng tạo nội dung trên các nền tảng. Mình gọi chung những công việc liên quan đến viết lách là nghề content.
Nhìn lại hành trình viết lách từ năm 2014 đến nay, mình muốn chia sẻ một vài kỹ năng, kiến thức mà mình đã trang bị, trau dồi trong suốt quá trình làm nghề và để sống được với nghề content. Hy vọng, nó có thể là thông tin hữu ích với những bạn đang có ý định theo đuổi công việc viết lách.
1. Tư duy marketing
Nếu bạn muốn làm bất kể vị trí content nào mình vừa kể trên thì tư duy marketing là điều không thể thiếu. Bởi công việc của bạn chính là sáng tạo ra các nội dung tiếp thị, phục vụ cho nhu cầu doanh nghiệp và đích cuối là khách hàng. Bản thân mình học báo chí, không phải chuyên ngành marketing, vì vậy, trong quá trình làm việc và phục vụ công việc, mình đã luôn tìm kiếm, đọc các tài liệu, giáo trình về marketing và tư duy content trong marketing.
Trong khoá học “Tư duy và nghiệp vụ marketing cơ bản” của Think Markus mình đã học được các kiến thức căn bản, tổng hợp tương đối đầy đủ như: Định nghĩa về marketing, các mô hình marketing, thị trường, thị phần, hành vi khách hàng, tư duy marketing, quản trị marketing.
Ngoài ra, cuốn “Marketing căn bản” của tác giả Philip Kotler là cuốn sách về marketing dành cho tất cả sinh viên chuyên ngành marketing và những ai muốn tìm hiểu về lĩnh vực này, bạn có thể tìm đọc.
Bên cạnh đó, mình cũng đọc các kiến thức về marketing khi cần thiết trên nhiều website, blog, group liên quan đến ngành nghề này. Các bạn có thể tìm kiếm và tự trang bị cho mình để tự tin bước vào nghề nhé.
2. Kỹ năng đọc
Tất nhiên rồi, để học một thứ gì đó bạn sẽ phải nghiên cứu, tìm tòi và thực hành rất nhiều về nó. Với một người sáng tạo nội dung thì đọc là việc và là kỹ năng cần thiết.
Ngoài đọc các chủ đề liên quan đến lĩnh vực đang làm, đọc và học các kiến thức về marketing, thì người làm nghề content sẽ không thể bỏ qua các đầu sách về kỹ năng viết lách: “Content hay nói thay nước bọt”, “Thôi miên bằng ngôn từ”, “90-20-30 (90 Bài học vỡ lòng về ý tưởng và câu chữ)”; “Con đường trở thành freelance writer”… là những cuốn mình thấy rất bổ ích cho hành trình trưởng thành trong nghề content của mình.
Bên cạnh đó, đọc các sách văn học, từ điển Tiếng Việt, ca dao tục ngữ… cũng giúp mình trau dồi thêm vốn từ. Đọc báo, tin tức mạng xã hội giúp mình bắt trend và có những idea thú vị, nắm bắt tin tức thời sự nóng hổi, kịp thời, nhanh chóng để viết bài thu hút hơn.
Đọc và theo dõi một số tác giả, blogger giúp mình học hỏi thêm kinh nghiệm từ các “tiền bối” trong ngành, hay các bạn trẻ hừng hực sức sáng tạo, hiểu được một số phong cách viết và đang dạng phong cách hơn trong quá trình viết.
3. Kỹ năng quan sát, lắng nghe, ghi chép
Kỹ năng quan trọng với hầu hết mọi ngành nghề, không chỉ với riêng content. Vậy nên, hãy luôn có một cuốn sổ tay, một cây bút hoặc bất kỳ vật dụng, thiết bị nào có thể giúp bạn ghi lại thật nhanh các ý tưởng.
Biết quan sát, lắng nghe và ghi chép giúp bạn hiểu tường tận sự việc, bắt được những chi tiết, vấn đề và từ đó có được những góc nhìn mới, tư duy mới.
Kết hợp kỹ năng này với việc nghiên cứu, học hỏi sẽ giúp người sáng tạo nội dung có thể cho ra đời những content đắt giá, viết đúng, viết sâu, chạm đến cảm xúc của độc giả.
4. Kỹ năng nghiên cứu
Kỹ năng nghiên cứu hay còn gọi là research cũng là điều mà những người viết cần trang bị. Trên thực tế, việc nghiên cứu chủ đề phổ biến nhất mà các content thường làm đó là Google Search.
Tuy nhiên, có rất nhiều cách đề tìm hiểu về một vấn đề ví dụ như: Đọc sách, tạp chí, ấn phẩm chuyên về lĩnh vực đó; tìm kiếm các nhân vật đầu ngành, có chuyên môn và hiểu biết về vấn đề để hỏi và phỏng vấn; thực hiện phỏng vấn, khảo sát diện rộng với người tiêu dùng, phân tích dữ liệu, data thu thập được hoặc các bảng phân tích thị trường…
Để việc nghiên cứu, tìm hiểu mang lại hiệu quả bạn sẽ phải xác định được: Mục đích của việc nghiên cứu, đặt ra nghi vấn và các câu hỏi để tìm hiểu, tìm tư liệu và lọc ra các chi tiết quan trọng, tổng hợp và trình bày nó dưới dạng ghi chú và hoàn thiện kết quả nghiên cứu với bài viết của bạn.
Content cần biết cách kết nối dữ liệu để nhìn ra vấn đề và liên kết nó trong bài viết, chủ đề bạn muốn truyền tải. Các nguồn dữ liệu phong phú cũng sẽ giúp bài viết của bạn thuyết phục hơn, độc đáo hơn.
5. Kỹ năng SEO
Đây cũng là kỹ năng có liên quan mật thiết với việc sáng tạo nội dung. Để nội dung được tối ưu và dễ dàng lên top trên công cụ tìm kiếm từ khoá Google, bạn phải nắm được các yếu tố kỹ thuật trong SEO như: Phân loại từ khoá, cách đặt tiêu đề chứa từ khoá, cách đặt các thẻ heading 1,2,3, mật độ từ khoá, các thẻ ảnh, đặt tên ảnh…
Để bài viết được Google đánh giá cao, nội dung hay thôi vẫn chưa đủ, bạn còn phải đảm bảo các yếu tố về mặt kỹ thuật SEO để giữ chân độc giả ở lại trang web lâu hơn, nhấn vào các liên kết trang nhiều hơn.
6. Kỹ năng chạy quảng cáo Facebook Ads
Có thể nhiều người sẽ thắc mắc tại sao viết content lại phải biết chạy quảng cáo Facebook? Thực ra đây không phải điểu bắt buộc nhưng khi viết content trên nền tảng nào, mục đích gì thì bạn cũng nên hiểu về “luật chơi” của nền tảng đó.
Sau một thời gian chạy quảng cáo, thấy được kết quả trên những tương tác, bình luận, inbox đặt hàng và chi phí quảng cáo, mình dần hiểu rõ được đối tượng khách hàng. Từ đó, mình biết cách tối ưu content, tạo ra các mẫu content quảng cáo Facebook thuyết phục họ hơn.
Bạn không cần thiết phải học chạy quảng cáo để viết được content, nhưng hãy nắm rõ đặc trưng của khách hàng và đặc điểm nội dung trên nền tảng bạn viết. Nếu có điều gì chưa rõ, hãy trao đổi thêm với đội kỹ thuật chạy ads của công ty hoặc người thấu hiểu lĩnh vực đó.
7. Kỹ năng thiết kế
Thiết kế cũng không phải là điều bắt buộc với content. Nhưng nếu hiểu và biết về kỹ năng này, bạn sẽ làm việc với designer dễ dàng hơn. Có kiến thức về việc phối màu, bố cục, hình ảnh, typo giúp bạn định hình được ý tưởng và truyền đạt sao cho designer thiết kế được một ấn phẩm vừa ý và phù hợp.
Ngoài ra, nếu biết thiết kế với những hình ảnh, video đơn giản, bạn cũng có thể chủ động hoàn thành thay vì chờ đợi.
Với mình, mình khá thích thú với việc tự thiết kế và thể hiện ý tưởng của bản thân thành hình ảnh. Hình ảnh trong bài viết này và trên Blog Nhật Chi cũng do mình tự thiết kế. Thiết kế nhiều không những giúp mình tăng gu thẩm mỹ mà còn có nhiều ý tưởng hay ho hơn.
8. Kỹ năng tự học
Sẽ thật may mắn nếu như bạn gặp được một người sếp cũng là “người thầy” trong nghề. Nhưng nếu không có người chỉ dẫn, hãy tự lực và đi bằng “đôi chân” của chính mình. Vì vậy, hãy luôn tự học. Chủ động học hỏi cũng giúp những người sẵn sàng giúp đỡ bạn muốn giúp đỡ bạn hơn.
Marketing nói chung và nghề content nói riêng luôn có sự biến động, vì vậy, bạn phải nâng cấp chính mình mỗi ngày. Chẳng hạn, khi Facebook chưa phổ biến, SEO là kỹ năng quan trọng, nhưng khi Facebook trở thành nền tảng được ưa chuộng hay hiện nay còn có TikTok, YouTube, bạn cần học hỏi và cập nhật để có thể sáng tạo nội dung trên những nền tảng này.
Để “sống” được với nghề content điều cần thiết là mỗi người làm nghề phải có khả năng tự học, tự nâng cấp trình độ của bản thân để có thêm kinh nghiệm cho mình.
9. Trang bị trải nghiệm sống
Việc có trải nghiệm sống phong phú, đa dạng giúp bạn dễ dàng biến hoá con chữ hơn và có thể viết chạm đến cảm xúc của người đọc hơn. Nói thì đơn giản nhưng làm gì để có trải nghiệm sống?
Trải nghiệm có được từ những hoạt động, sự kiện mà bạn tham gia. Trải nghiệm cũng chính là quá trình tự mình trải qua để đúc kết thêm nhiều kinh nghiệm, kiến thức. Bạn cũng có thể có thêm trải nghiệm sống thông qua việc quan sát, lắng nghe, thấu hiểu…
Một số cách để mình làm giàu trải nghiệm sống như: Đọc sách, xem phim (giúp mình hoà với cảm xúc của nhân vật và câu chuyện), chụp ảnh (giúp mình quan sát và có cơ hội quan sát lại những khoảnh khắc trong cuộc sống), trò chuyện cùng bạn bè (giúp mình hiểu thêm về các khía cạnh trong cuộc sống), đi du lịch, tham gia các khoá học, sự kiện, làm việc…
10. Kỹ năng viết
Đây là kỹ năng quan trọng nhất với người làm công việc sáng tạo nội dung. Để có kỹ năng viết tốt, bạn cần rèn luyện mỗi ngày. Theo quy tắc của Malcolm Gladwell, mỗi người cần 10.000 giờ luyện tập để có thể trở thành chuyên gia trong lĩnh vực mà họ theo đuổi.
Với hơn 8 năm theo nghề viết lách, tính trung bình một ngày mình dành khoảng 6 tiếng cho việc viết, trừ đi những ngày nghỉ (mặc dù có những ngày nghỉ mình còn viết nhiều hơn ngày đi làm) hiện tại mình có khoảng 14.000 giờ làm công việc này. Mình cũng phần nào tự tin hơn về kỹ năng viết lách hiện tại, tư duy chủ đề, lên kế hoạch và triển khai.
Tuy nhiên, mình cũng chưa dám nhận mình là chuyên gia mà chỉ là một người đang cố gắng viết tốt hơn mỗi ngày. Blog Nhật Chi ra đời cũng là cách để mình tự rèn luyện kỹ năng viết lách, trau dồi kiến thức về ngành, về nghề. Ngoài viết blog, thỉnh thoảng mình sẽ viết nhật ký, thơ ca…
Vì chuyên ngành của mình là báo chí và viết lách cũng là kỹ năng chính mà mình được học, nên mình không chọn học thêm các khoá học về viết nữa. Nhưng nếu bạn là tay ngang vào nghề, hay newbie, thì cũng có thể chọn học thêm các khoá dạy viết để nắm vững các kiến thức, tư duy căn bản khi viết.
Trên đây là 10 kỹ năng mình đã và vẫn đang trau dồi trong suốt quá trình làm nghề và “sống” với nghề, còn bạn thì sao?
Nhật Chi
* Nguồn: nhatchi.com