Xây dựng thương hiệu cá nhân trên social media cần tránh 5 sai lầm

Việc lựa chọn truyền thông trên mạng xã hội được ví như con dao hai lưỡi. Bạn có thể mở rộng network và tìm thấy nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn, hoặc bạn có thể tốn hàng tá thời gian, công sức, và tiền bạc mà không thu lại bất kỳ kết quả nào.

Trong bài viết hôm nay, tôi sẽ chia sẻ 5 sai lầm cơ bản nhất khi xây dựng thương hiệu cá nhân mà người mới bắt đầu sử dụng mạng xã hội như bạn và tôi có thể gặp phải. Chúng ta cùng bắt đầu nhé!

Sai lầm 1: Bạn tập trung vào số lượng hơn chất lượng

Đây là sai lầm mà hẩu như mọi người đều mắc phải: chúng ta đăng bài quá nhiều. Hồ sơ của bạn xuất hiện với tần suất dày đặc trên “newsfeed” và gây loãng độ chú ý của người đọc. Bạn cũng không có đủ thời gian để cân nhắc và đặt chất lượng bài viết vào ưu tiên hàng đầu. Hậu quả là bạn có thể sẽ chấp nhận những bài viết tốt, nhưng không phải là bài tốt nhất.

Theo nghiên cứu được thực hiện bởi Buffer, số lượng bài đăng lý tưởng trên mỗi nền tảng mạng xã hội sẽ là:

  • Facebook: 2 bài mỗi ngày
  • Instagram: từ 1 đến 2 bài mỗi ngày
  • Twitter: 5 tweet mỗi ngày
  • Linkedin: 1 bài mỗi ngày

Nếu tập trung vào chất lượng bài viết hơn số lượng, bạn sẽ tăng tỉ lệ tương tác và giúp thuật toán của các nền tảng mạng xã hội hoạt động hiệu quả hơn. Chúng sẽ nhận biết và đề xuất cho bạn chính xác hơn những nhóm độc giả có cùng quan điểm hoặc sở thích.

Sai lầm 2: Bạn tập trung vào duy nhất một nền tảng mạng xã hội, hoặc tham gia tất cả

Facebook có thể đứng đầu về độ phổ biến hoặc lượng người tham gia, nhưng không vì thế mà chúng ta chỉ tập trung chia sẻ trên nền tảng này. Trái lại, việc cố gắng dàn trải bài viết ở tất cả mạng xã hội cũng không khiến tỉ lệ tương tác tốt hơn, mà chỉ làm bạn mất nhiều thời gian để quản lý và phản hồi độc giả. Bạn cần cân nhắc đúng thế mạnh và tính hiệu quả của mỗi nền tảng để tập trung xây dựng bài viết có nội dung phù hợp.

Ví dụ: Facebook rất thích hợp cho các dạng nội dung từ ngắn đến trung bình (khoảng 800 đến 1200 từ). Twitter lại phù hợp với các dạng bài tin tức và xu hướng. Instagram là nền tảng tốt nhất cho nội dung có kèm hình ảnh nghệ thuật. Ngoài ra tính hiệu quả của một số công cụ có thể thay đổi theo các nền tảng khác nhau. Ví dụ: hashtags hoạt động hiệu quả trên instagram trong việc tìm kiếm bài viết có cùng chủ đề, nhưng không mang lại tác dụng tương tự trên facebook.

Sai lầm 3: Chỉ đăng tải nội dung do chính bạn biên soạn

Sai lầm này xuất phát từ việc e ngại những chủ đề bạn chia sẻ không liên quan đến thị trường ngách mà bạn muốn hướng tới. Hoặc đơn giản bạn đang quá cẩn trọng trong việc tạo dấu ấn cá nhân. Chúng ta thường bỏ qua các chủ đề đứng đầu xu hướng – một yếu tố thu hút người xem và tăng lượng tương tác đáng kể. Sự thật là sẽ không sao cả nếu bạn chia sẻ chủ đề hơi “lệch” với chủ đề chung. Vì trang cá nhân của bạn càng đa chiều thì càng trở nên hấp dẫn hơn.

Ví dụ: bạn lựa chọn thị trường ngách là mẹ và bé, nhưng thỉnh thoảng bạn có thể chia sẻ các bài viết về tự do tài chính hoặc du lịch/ ăn uống. Thoạt nhìn chúng có vẻ không liên quan nhưng lại đánh đúng vào tâm lý của các độc giả: các mẹ bỉm sữa muốn tìm hiểu cách quản lý tài chính sau khi sinh con hoặc thông tin dinh dưỡng để chăm sóc con khỏe mạnh.

Sai lầm 4: Hồ sơ của bạn không đủ chuyên nghiệp

Bạn vẫn còn giữ thói quen chia sẻ cảm xúc tùy hứng trên mạng xã hội? Hồ sơ của bạn quá thiếu thông tin về bằng cấp, chứng chỉ, kinh nghiệm làm việc hay quan điểm sống? Bạn không dọn dẹp “dấu vết” của những tương tác vô nghĩa trên các trang bán hàng hay tán gẫu? Đây là những sai lầm khi bạn cố gắng kết hợp mục đích giải trí đồng thời với mục tiêu truyền thông hình ảnh cá nhân.

Khách hàng tiềm năng sẽ không đề cao tính chuyên nghiệp và chất lượng sản phẩm bạn tạo ra nếu bạn không sớm vạch rõ ranh giới giữa cuộc sống và công việc. Hãy thử đánh giá lại hồ sơ cá nhân của mình theo các chuẩn mực sau:

– Có hình ảnh đại diện chuyên nghiệp: một bức ảnh chân dung chất lượng cao với khuôn mặt tươi tắn, thần thái lạc quan trên khung nền sáng rõ, không lộn xộn sẽ là lựa chọn đúng đắn nhất.

– Có website cá nhân hoạt động hiệu quả: bạn cần xây dựng cho mình một website cá nhân với 3 tiêu chí:

  • Lựa chọn tên miền dễ nhớ
  • Thiết kế giao diện chuyên nghiệp
  • Chia sẻ nhiều bài viết chất lượng theo từng nhóm chủ đề

Sau đó, hãy dùng mạng xã hội để giới thiệu website của bạn, bằng cách đính kèm địa chỉ website vào trang giới thiệu và trong bất kỳ bài post nào.

– Website cá nhân được cập nhật thường xuyên: Austin Kleon – tác giả quyển “Nghệ thuật PR bản thân” đã có những gợi ý để bạn thực hiện việc này. Đó là mỗi ngày chia sẻ một vài điều nho nhỏ, kể những câu chuyện hay, dạy lại những gì bạn học được và quan trọng là phải luôn duy trì quá trình đó, không bao giờ bỏ cuộc.

Sai lầm 5: Không hiểu rõ cách thức hoạt động của mạng xã hội

Thực tế khi bắt đầu xây dựng hình ảnh cá nhân với mạng xã hội, 90% chúng ta đều chỉ là những người tham gia không chuyên, thậm chí không thể biết hết những công cụ và tính năng hỗ trợ mà nền tảng mạng xã hội đang dùng có thể mang lại. Nếu suy nghĩ đơn giản là cứ trả tiền quảng cáo cho Facebook/ Twitter làm thay việc tiếp thị, chắc chắn bạn sẽ nhanh chóng bị rỗng ví và thất vọng với hiệu quả thu được.

Để tối ưu hóa việc truyền thông bài viết/ sản phẩm, ta cần hiểu cách thức mạng xã hội xếp hạng ưu tiên chúng trên “newsfeed”. Đây là những thuật toán khá phức tạp, nhưng có thể tóm tắt cơ bản trong các nội dung chính như sau:

– Mức độ tương tác giữa độc giả và bạn: những bài viết có nhiều bình luận/ chia sẻ/lượt thích sẽ xuất hiện ở vị trí cao hơn và được tự động lựa chọn để “promote” khi làm quảng cáo. Việc bạn phản hồi chậm với người đọc cũng là một nguyên nhân làm giảm điểm tương tác này.

– Bài viết được đăng tải trong khung “giờ vàng”: đúng thời điểm là yếu tố quan trọng. Nếu bạn đăng bài viết lúc 1:00 AM thì độc giả có khả năng sẽ nhìn thấy bài viết của bạn ở sau loạt bài đăng vào 9 – 10 AM hôm sau – thời điểm nhiều người có thói quen điểm tin đầu ngày trên mạng xã hội.

– Chủ đề đang được quan tâm bởi cộng đồng: những nội dung có chứa từ khóa theo xu hướng sẽ có tỉ lệ tương tác nhiều hơn những bài viết không nhắc đến các từ khóa này.

– Bài đăng mang tính sự kiện hoặc giới hạn trong một thời điểm, ví dụ: live broadcast trên Facebook.

Lời kết

Thật vui vì bạn đã đồng hành cùng tôi đến cuối bài viết này và hy vọng nó có thể mang lại cho bạn nhiều kinh nghiệm bổ ích. Tất cả chúng ta đều cần học hỏi, trải nghiệm và thất bại từ những bước đi đầu tiên, nên cũng đừng quá lo lắng nếu bạn đang mắc phải những sai lầm này nhé.

spot_img

CÓ THỂ BẠN THÍCH

Chiến lược đến thực thi khi vận hành doanh...

Phần 1: Chiến lược - Strategy Chiến lược không chỉ định hình tầm nhìn dài hạn của doanh...

Xây dựng chiến lược Digital Marketing cho người mới

Các doanh nghiệp đã và đang sử dụng và đầu tư ngân sách nhiều hơn bao giờ...

Sự khác biệt giữa Outbound Marketing và Inbound Marketing

Khi đề cập đến tìm kiếm khách hàng tiềm năng và lấp đầy đầu phễu bán hàng,...