BẠN CÓ BIẾT NHỮNG BÀI VIẾT TRÊN NEW YORK TIMES CÓ LEVEL 7,5 (HỌC SINH TỪ LỚP 7 CÓ THỂ ĐỌC HIỂU) NHƯNG CÓ THỂ KHIẾN HÀNG TRIỆU NGƯỜI NHÌN THẾ GIỚI KHÁC ĐI VÀ CẢM THẤY MONG CHỜ ĐƯỢC ĐỌC THÊM NỮA? HAY NHỮNG CUỐN SÁCH CỦA J.K.ROWING THỰC RA CHỈ CÓ LEVEL 5,5 (HỌC SINH TỪ LỚP 5 CÓ THỂ ĐỌC HIỂU) NHƯNG ĐÃ MANG TỚI NHỮNG LÀN SÓNG HÂM MỘ TRÊN TOÀN THẾ GIỚI VÀ NGƯỜI TA CÓ THỂ NHẮC TỚI NÓ Ở BẤT KÌ ĐÂU?
Mình từng rất ấn tượng với một câu trích dẫn của Adam Grant, như thế này “Những người viết thông thường cố gắng thể hiện mình thông minh. Còn những người viết tuyệt vời, là làm cho độc giả của họ cảm thấy họ thông minh hơn.”
Nếu làm việc trong lĩnh vực viết lách, ắt các bạn đã hoặc cần phải biết về “readability” – độ dễ đọc/dễ hiểu và “reading level” – thang đo trình độ đọc. Có một phát hiện mình vô tình biết khi còn học đại học, đó là những tác giả nổi tiếng nhất thì các tác phẩm của họ có tính “readablitily” rất cao và kèm theo nó là “reading level” thấp hơn so với những người khác trong cùng một lĩnh vực.
Mỗi độc giả có một “reading level” khác nhau, đó là lí do vì sao có sách hay bài viết thì người này đọc có thể thẩm thấu được ngay còn người khác thì không. Khi bạn không phải tìm kiếm từ vựng, hoặc suy nghĩ quá phức tạp về những gì bạn đang đọc, bạn sẽ giở trang nhanh hơn và thưởng thức chúng nhiều hơn. Và vì vậy, mình nghĩ sẽ tốt hơn là người viết tự nhận biết được reading level của mình cũng như của người đọc, để từ đó viết ra những sản phẩm phù hợp hơn.
Tuy nhiên, cũng sẽ khá khó khăn và thiếu thoải mái khi chúng ta buộc phải viết ở một reading level thấp hơn.
—
Theo mình, khi đánh giá một bài viết, sẽ chia ra làm mấy loại này, như trong bản đồ mình vẽ:
1 là – Những bài viết tệ nhất thường cùng lúc gặp 2 vấn đề: (1) làm bạn cảm thấy “ngu” khi đọc xong và (2) rất khó đọc hoặc không có ý định chia sẻ nó. “Ngu” ở đây có thể hiểu là: không thu thập được giá trị gì và phí thời gian. Trong trường hợp này, người viết đã không nắm được đối tượng của mình là ai.
2 là – Những bài viết quá đơn giản hoặc quá an toàn, khiến người đọc đọc xong và có thể “Ừ hử” rồi bỏ qua một bên. Tuy nhiên, ít ra thì bài viết dạng này còn không làm tốn thời gian của người đọc.
3 là – Những bài viết khiến chúng ta cảm thấy “thông minh” hơn nhưng sẽ không bao giờ có hứng thú chia sẻ: Sách giáo khoa là một dạng bài viết giúp ta “thông minh” hơn, nó giúp ta có thêm kiến thức, hiểu biết hơn thậm chí trở thành người tốt hơn, nhưng đọc nó là điều khó khăn. Ít khi có chuyện học sinh truyền tay nhau các bài viết hay trong sách giáo khoa hay giáo trình đại học. Đây cũng có thể coi là một bài viết tốt, nhưng dạng này khó tiếp thu vào cũng khó để trở nên phổ biến, dù nó hữu ích tới cỡ nào.
4 là – loại bài viết tốt và hiệu quả nhất: Nó là loại vừa khiến người ta đọc và cảm thấy hài lòng bởi kiến thức mang lại, vừa dễ đọc, dễ nhớ và dễ chia sẻ.
Câu hỏi tiếp tục đặt ra khi bạn đọc tới đoạn này sẽ là: Vậy làm thế nào để vừa khiến độc giả thấy thông minh hơn, lại vừa dễ đọc?
Tốt nhất là: MANG TỚI cho họ điều gì đó MỚI, một cách thú vị hơn.
Nếu bạn để ý những bài viết hay được chia sẻ rất nhiều trên khắp các kênh truyền thông, bạn sẽ thấy chúng chứa đựng 2 điều trên: vừa khiến bạn thông minh hơn, vừa tiếp thêm cho bạn đầy năng lượng.
—
Quay trở lại với “readling level”, bạn có biết những bài viết trên New York Times có level 7,5 (học sinh từ lớp 7 có thể đọc hiểu) nhưng có thể khiến hàng triệu người nhìn thế giới khác đi và cảm thấy mong chờ được đọc thêm nữa? Hay những cuốn sách của J.K.Rowing thực ra chỉ có level 5,5 (học sinh từ lớp 5 có thể đọc hiểu) nhưng đã mang tới những làn sóng hâm mộ trên toàn thế giới và người ta có thể nhắc tới nó ở bất kì đâu?
Bạn từng đọc “Mật mã Da Vinci” chưa? Nó bán được khoảng 80 triệu bản trên khắp thế giới, bất chấp vô cùng nhiều những lời chỉ trích. Nhiều tác giả chế giễu loại văn xuôi đơn giản với việc sử dụng các “sáo ngữ” nhưng có sao đâu. Quan trọng là nó dễ đọc. Và quan trọng nữa, là những câu đố, mật mã và những mảnh ghép được khơi ra trong cuốn sách này khiến cho người đọc cảm thấy không chỉ tò mò mà còn thấy “thông minh” hơn khi đoán trúng trước thời điểm nó được giải đáp.
Tuy nhiên, không phải mọi bài viết đều áp dụng 2 tiêu chí “thông minh” và “dễ đọc” mới là hiệu quả nhất. Nếu bạn đang làm việc trong lĩnh vực viết cho trẻ em như mình, bạn sẽ nhận ra là những cuốn sách hay nhất cho trẻ (dưới 10 tuổi) sẽ nằm ở khu vực số (2) trong biểu đồ. Nó chỉ cần đạt tiêu chí “Dễ đọc” chứ không nhất thiết cần phải khiến cho chúng thấy thông minh hơn. Trẻ em là đối tượng cần có sự “thoả mãn” và “hài lòng” để có động lực tiếp tục việc học và học không ngừng nghỉ. Đó cũng là lí do với trẻ, việc xác định reading level vô cùng quan trọng để chọn sách cũng như giúp trẻ thích sách và tiến bộ hơn khi đọc sách. Và đó cũng là lí do đôi khi người lớn sẽ thấy những cuốn sách viết cho trẻ nhỏ rất chi là “ngu ngốc” hay “ngờ nghệch”.
Độc giả của chúng ta là ai
Cuối cùng thì, thực ra vấn đề vẫn quay lại với luận điểm mà những ai học truyền thông hay marketing communication nằm lòng: Quan trọng không phải là nói chúng ta là ai mà độc giả của chúng ta là ai.
Chẳng có độc giả nào thích làm việc cật lực, tra từ điển, search google và chật vật hơn mức cần thiết để cố gắng đọc một bài viết. Độc giả không quan tâm người viết thông minh tới mức nào nếu họ bị cảm thấy ngu ngốc và phí thời gian. Nhiều người viết cho rằng tính chất công việc của mình phải viết ra những điều đao to búa lớn. Họ sử dụng những từ giật gân, phức tạp. Họ làm mọi thứ phức tạp. Và tự kìm hãm khả năng tiếp cận độc giả tiềm năng của mình.
Nhiều tác giả có hàng triệu độc giả trung thành, vì họ đã “dạy” độc giả những điều mới mẻ, theo một cách thú vị. Blogger nổi tiếng của WaitButWhy giải thích những chủ đề vô cùng khô khan của trí tuệ nhân tạo, của cryonic freezing, hay uploading brains to computers bằng cách sử dụng ngôn ngữ hài hước và hình vẽ (truyện tranh).
Viết những bài viết như thế không dễ. Nó khó giống như khi lần đầu tiên cách đây 15 năm mình chơi thử trò Mario trên máy tính. Chả ai quan tâm người thiết kế trò chơi thông minh thế nào. Mình chỉ quan tâm nếu mình thực sự thích trò chơi đó mà thôi.
*Giải thích thêm về Reading Level: thang đo trình độ đọc được đưa ra dựa trên việc xác định 3 khả năng là Mức độ chính xác (đọc đúng được bao nhiêu từ), Tốc độ đọc (đọc được bao nhiêu từ trong 1 phút), Mức độ thấu hiểu (có hiểu nội dung mình đang đọc không).